Chúng ta cùng gặp GS Đặng
Tình yêu không tuổi tác”, đó là những gì người ta hay nghĩ về những mối tình lệch tuổi. Đầu năm 2011, đám cưới đầy bất ngờ của Giáo sư (GS) Đặng Hùng Võ và nghệ sĩ đàn dân tộc Nguyễn Hồng Ánh khiến nhiều người cho đến giờ vẫn chưa thể quên. Cách nhau đến 30 tuổi nhưng cuộc hôn nhân của hai người đã chứng tỏ một điều: những cảm xúc thật của tình yêu có thể giúp con người vượt qua tất cả để bên nhau.
Hẹn gặp GS Đặng Hùng Võ trong những ngày cuối năm quả thực là việc khó. Ông “chốt” các cuộc hẹn cả thân lẫn sơ với một kiểu thời gian hà khắc, gần như không có phút nghỉ.
Tiếp phóng viên tại căn biệt thự rộng rãi nằm sâu trong một con ngõ khá lớn trên đường Giải Phóng – tổ ấm mới của ông từ ngày lấy vợ, GS Đặng Hùng Võ ăn mặc giản dị, giống một người đàn ông của gia đình hơn là những gì người ta vẫn nghĩ về một người quảng giao như ông. Sau câu chuyện ngắn ngủi với một phụ nữ lớn tuổi đang lúi húi sửa soạn trong bếp, ông quay trở lại bàn tiếp khách với ấm trà nóng, câu trả lời kèm theo một nụ cười: “Mẹ vợ tôi đấy!”. Tiếng nhạc rộn ràng phát ra từ tầng trên của căn nhà, GS Đặng Hùng Võ xởi lởi khoe trước về những dự định của vợ và nhóm nhạc mới hiện đang trong giai đoạn tập luyện ráo riết để chuẩn bị “chạy sô”. Kiểu “khoe” đầy ý nhị của một người chồng luôn sâu sát và rất tự hào về công việc của vợ.
Cuộc trò chuyện đầy cởi mở về cuộc sống hôn nhân – kết quả của một mối tình lệch tuổi của GS Đặng Hùng Võ và nghệ sĩ Phương Ánh diễn ra rất nhẹ nhàng trong một buổi chiều rét ngọt của mùa đông Hà Nội.
Tình yêu lâu bền cũng giống như văn hóa, phải đọng lại và lớn lên
GS quan niệm thế nào về tình yêu?
Quả thực là định nghĩa về tình yêu rất khó, nên tôi xin được phép “nói quanh” thế này. Xuân Diệu đã từng định nghĩa nhiều lần và cuối cùng thì giải thích rất giản dị: “Có khó gì đâu một buổi chiều/ Gặp cô em gái xinh xinh ấy/ Rồi thương rồi nhớ gọi là yêu”. Đó là cách định nghĩa mộc mạc nhất nhưng cũng thật nhất.
Có nhiều người muốn “nâng cấp” định nghĩa tình yêu lên để mang một tính triết lý hơn, nhưng cũng có người muốn giải thích từ đó một cách rất giản dị, đời thường, thậm chí còn bị dung tục hóa. Theo quan niệm của tôi, tình yêu thể hiện được rất nhiều mặt: cả tính triết lý, cả nhân bản, cả những cái cụ thể trong cuộc sống. Nếu ai chưa thỏa mãn được tình yêu thì chẳng qua là chưa gặp được nửa thứ hai của mình thôi.
Tình yêu phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc, có phải vậy không thưa GS?
Đúng thế. Tình yêu bao giờ cũng cảm nhận bằng cảm xúc đầu tiên. Đã gọi là tình yêu thực thì sẽ thoát ly khỏi lý trí và được bắt đầu bằng cảm xúc. Từ đó, người ta sẽ nhận thấy đây là tình yêu, bền chặt thực sự. Đây là quá trình người ta định hình được tình yêu. Nếu có cảm xúc lúc đầu nhưng không có nhận thức định hình thì cũng sẽ nhanh chóng tan đi. Tình yêu lâu bền cũng giống như văn hóa, phải đọng lại và lớn lên.
Trải qua những muộn phiền trong cuộc sống, cảm xúc chai sạn đi. Điều đó có khiến người ta khó yêu hơn không, thưa GS?
Tôi cho rằng có, khi đó người ta khó có cảm xúc trở lại. Cũng có thể do mệt mỏi quá mà người ta không còn cảm xúc hay có ý thức để nghĩ tới cảm xúc nữa. Nhưng đúng là ở lứa tuổi đã bị va đập nhiều trong cuộc sống thì thường khó có thể có một tình yêu chân thực và mới. Kể cả những người nếm trải nhiều ngọt bùi cũng chưa chắc có được tình yêu “trong” như tuổi trẻ.
Quy luật là như vậy, nhưng tất nhiên cũng phụ thuộc con người. Cũng có những con người cảm thấy mệt mỏi thật hay tuyên bố là không thể yêu được nữa, tức là không còn rung cảm thực sự mang tính nhân văn nữa. Nhưng cũng có những người ngay cả khi tuổi rất cao rồi, vẫn cảm thấy mới và coi như một cái gì đó thực sự trong suốt, không bị sự chai sạn làm ảnh hưởng.
Tôi vẫn cho rằng không có một lao động nào cực nhọc bằng yêu. Cần phải vận dụng mọi thứ, từ lao động trí óc, lao động chân tay để cảm thụ được tình yêu đó. Hơn nữa, đó lại phải là lao động sáng tạo để luôn tạo ra cái mới, tình yêu không chấp nhận lối mòn và những gì cũ kỹ.
Ba lần kết hôn, GS có khi nào nghĩ mình là một người dồi dào kinh nghiệm trong hôn nhân?
Tôi cho rằng câu chuyện này không thể gọi là kinh nghiệm được, vì đã là kinh nghiệm thì sẽ phá hủy hết những thứ mang tính cảm xúc. Trong tình yêu đừng nói đến kinh nghiệm. Có thể nói kinh nghiệm tán gái thì còn chấp nhận được, chứ không thể có kinh nghiệm yêu. Yêu là phải đảm bảo những cảm xúc đó là thật và trong. Và tất cả những kinh nghiệm đều vô nghĩa với điều cần có cảm giác thật và trong.
GS có nghĩ mình là người có nhiều kinh nghiệm tán gái không?
Không (cười lớn). Tôi thậm chí còn không có ý thức về chuyện tán gái. Có thể tôi cũng được một số nhất định phụ nữ thích tính nết. Tôi cởi mở và có mức độ dí dỏm nhất định, mà phụ nữ rất thích hài hước. Và chỉ thế thôi. Chứ còn nếu rắp tâm tán một ai đấy mà người ta từ đầu không thích mình thì tôi không bao giờ làm. Một trong những điều đầu tiên là người ta phải có cảm tình nhất định với mình. Câu chuyện đầu tiên bao giờ cũng là bạn bè, chứ chưa khi nào tôi đặt ra kế hoạch phải cương quyết tán cô này cô kia. Đấy không phải là cách tiếp cận cuộc sống của tôi.
Như vậy là GS chưa từng chủ động đứng ở vị trí của người “cầm cưa”?
Không. Cũng có lúc là tán, nhưng không phải với mục tiêu là phải “tiêu diệt đối phương” ngay lập tức. Nếu mối quan hệ đã lên tới mức thân thiết nhất định, đến giai đoạn bắt đầu trao đổi những chuyện có chiều sâu một chút thì lúc đó có thể có nhưng là vô thức chứ không phải quyết tâm đặt ra kế hoạch từ đầu.
GS nghĩ mình có phải là một người yêu nhiều?
Có lẽ so với những người được gọi là yêu nhiều thì không thấm vào đâu nhưng cũng không phải là người yêu ít. (Cười).
GS đã từng trải qua bao nhiêu mối tình?
Khoảng năm lần, không nhiều, không ít. Tôi đã có những mối tình chưa hề cầm vào tay nhau nhưng lại cũng sâu sắc, kể cả từ hai phía. Nói như vậy chắc giới trẻ hiện nay cho là chuyện vớ vẩn. Ngay cả vợ tôi, tôi cũng từng tâm sự và cô ấy nói rằng chẳng ai lại yêu đương kiểu ấy bao giờ. (Cười).
Tình đầu bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm nhất, GS có cùng suy nghĩ như thế không?
Tôi lại không nghĩ thế. Mỗi mối tình có một hoàn cảnh riêng của nó. Tôi muốn trích lời của nhà thơ Hồng Thanh Quang nói trong một buổi ghi hình chương trình “Đa chiều” số cuối năm vừa rồi, nội dung là "đàn ông bao giờ cũng chứng tỏ mình là mối tình đầu của vợ, nhưng đàn bà luôn muốn chồng là mối tình cuối của mình". Phụ nữ khi nào cũng có cảm giác rất mạnh với mối tình đầu. Đàn ông thì đánh giá mối tình ở sự sâu sắc nhất, chứ không có cảm giác mạnh về tình đầu. Mối tình đầu tiên của tôi là mối tình chưa bao giờ cầm tay nhau.
Tình đầu của GS diễn ra như thế nào?
Khi tôi học xong, ra trường rồi và đi dạy học mới bắt đầu yêu. Yêu thời bao cấp mà, không gian yêu chật lắm. Ngày tôi còn đi học, yêu trong trường Đại học rất khó khăn.
Tình đầu của GS kéo dài bao lâu?
Khoảng ba năm.
Cho đến bây giờ, GS có khi nào nghĩ đến nguyên nhân vì sao tình đầu lại tan vỡ?
Đây là trường hợp tình yêu không được chăm bẵm, không tiếp xúc với nhau mà chỉ nghĩ về nhau như vậy thôi. Đó là trong thời bao cấp, mà trong hoàn cảnh éo le ấy thì chỉ có thể như vậy được thôi. Hoàn cảnh đó đã làm tình yêu phải tắt. Ngày trước còn có những “mối tình câm” nhưng cũng xa xưa lắm rồi, ngày nay đòi hỏi tình yêu phải được chăm sóc chứ không thể để tình yêu "đói khát" mãi như thế. Không cho ăn thì cái gì cũng sẽ chết, điều đó là đương nhiên! Tôi cũng không phải đểnh đoảng đến mức tự mình bóp chết tình yêu nhưng trong hoàn cảnh đó thì tự nhiên tình yêu sẽ phải chết.
Như vậy nguyên nhân hoàn toàn là do khách quan?
Đúng rồi, chứ tôi không có ý định bức tử tình yêu. (Cười).
Tình yêu với vợ tôi không phải “sét đánh”
GS và nghệ sĩ Hồng Ánh yêu nhau trong bao lâu trước khi có đám cưới?
Khoảng ba, bốn năm. Cũng trong hoàn cảnh éo le nhưng không đến mức khắt khe như thời bao cấp.
GS gặp vợ lần đầu trong hoàn cảnh nào?
Lần đó, có một hội nghị quốc tế mà tôi là người quyết định toàn bộ công việc tại đấy. Nhóm Cỏ Lạ mà vợ tôi là thành viên cũng bắt đầu có tên tuổi, sau khi xem trên mạng thì tôi quyết định mời nhóm Cỏ Lạ đến biểu diễn. Chúng tôi quen nhau từ đó. Sau đó thì cũng có cảm thấy hình như có vẻ có cái gì đấy hiểu được nhau. Quá trình đấy diễn ra tiếp, đến một lúc nào đó thì cảm thấy cần tới nhau.
Tình yêu với nghệ sĩ Hồng Ánh có đến từ cái nhìn đầu tiên không, thưa GS?
Không. Tôi ít có tình yêu sét đánh. Trường hợp bà xã tôi hiện nay cũng không phải là tình yêu sét đánh. Tôi là người mà khi nhận thức phải ngấm được, và cảm thấy cái đó là đúng. Không phải tôi muốn chiêm nghiệm đâu nhưng phải nhận ra được đó là thực, không để hình thức che đậy nội dung, tôi rất muốn biết nội dung đó là gì.
Lấy vợ trẻ, trong quãng thời gian tìm hiểu, GS có phải chiều theo sở thích của cô ấy?
Nói chung, quan hệ giữa chúng tôi là thế này: rất hiểu nhau. Chúng tôi đều đoán được và muốn làm theo ý thích của người kia. Cách đó thể hiện mối quan hệ rất công bằng, từ hai phía. Tôi cũng rất muốn sự tương tác từ hai phía, chứ nếu chỉ từ một phía thôi thì sẽ không bền. Nếu thực sự yêu nhau thì nhìn vào mắt là biết người kia đang nghĩ gì, muốn gì, cần gì.
GS có phải “gồng mình” lên để chiều theo những sở thích trẻ trung của vợ?
Không, làm gì đến mức phải gồng mình. Ví dụ như đi xem ca nhạc hay biểu diễn nghệ thuật, thì thậm chí là tôi còn có nhu cầu nhiều hơn. (Cười)
Có vợ là nghệ sĩ, GS có khi nào cảm thấy lo lắng khi công việc của vợ hay phải giao tiếp nhiều?
Không, tôi thì không thấy lo. Tôi cũng là người hoạt động xã hội nhiều chứ, vậy thì chẳng lẽ vợ cũng phải lo lắng chuyện đó hay sao. Trong hoàn cảnh này, tôi nghĩ rằng chúng tôi phải hoàn toàn tin vào nhau. Trong tình yêu, nếu hiểu nhau rất kỹ thì có một động thái nào đó khác đi, mình sẽ cảm nhận được. Tôi là người rất biết mình phải làm gì. Nếu bạn đời mà mình rất yêu cảm thấy không cần mình nữa thì tôi sẵn sàng… Tất cả mọi việc đều không phải cố, nhất là tình yêu, cố cũng không được. Tôi hay vợ tôi có hoạt động riêng trong công việc, cũng đều hiểu công việc của nhau, cảm thấy luôn tin tưởng lẫn nhau chứ không có gì phải lo lắng cả.
GS và vợ, có khi nào góp ý về công việc riêng của nhau không?
Có chứ. Ví dụ như công việc của tôi, vợ tôi cũng đọc và bình luận, góp ý và nhiều ý rất hay. Trong chương trình Đa chiều "gái ngoan và gái hư", khách mời có định nghĩa "gái hư" là phụ nữ có cách sống ngoài khuôn mẫu ước lệ và nói rằng đàn ông thích yêu "gái hư" nhưng thích lấy "gái ngoan"; tôi nói rằng tôi lại muốn yêu "gái hư" và lấy "gái hư" đó. Vợ tôi xem và nói rằng chương trình tuyệt vời và anh nói một câu rất tuyệt vời.
Tôi cũng góp ý với vợ tôi rất nhiều về mục tiêu, phong cách thể hiện của các nhóm nhạc sử dụng nhạc cụ dân tộc. Quan điểm của tôi là dùng phong cách nhạc dân gian của mình để thể hiện nhạc quốc tế, lúc đó mới có cơ hội vươn ra nước ngoài. Lúc đầu, vợ tôi chưa tán thành nhưng đến nay, vợ tôi cũng đồng ý với quan điểm này và thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận.
Trải qua một thời gian chung sống, GS có cảm giác hài lòng về gia đình nhỏ của mình?
Rất hài lòng, tôi hoàn toàn hài lòng với cuộc hôn nhân này. Đây là một gia đình rất ấm cúng, rất hiểu nhau, vì nhau, lo lắng cho nhau và không hề có gì "vênh" nhau đáng nói. Điều quan trọng là cả hai luôn mong muốn làm ra những gì thật mới cho tình yêu.
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, GS đánh giá thế nào về vai trò giữ lửa của vợ mình trong gia đình?
Tôi cho rằng được. Nghệ sĩ thì cũng không thể đòi hỏi chuyện giữ lửa cụ thể nhiều quá. Quan trọng nhất là lửa tình yêu phải ngày càng sáng hơn. Cả tôi và bà xã tôi đều có nhược điểm là hướng ra xã hội nhiều. Nếu một người đi còn một người chăm lo gia đình thì tốt hơn. Nhưng trong trường hợp này thì cả hai đều ra ngoài, phải tìm cách khắc phục. Vậy mỗi người lo cho lửa bếp nhà nhiều hơn một chút. Cả hai đều xây nhà và cả hai đều xây tổ ấm, cách tiếp cận này vui hơn.
Việc lớn trong nhà, GS và vợ - ai sẽ là người giải quyết?
Tôi rất ghét thói gia trưởng của đàn ông. Nói chung vấn đề nào chúng tôi cũng đều bàn bạc với nhau. Nhưng sáng kiến để giải quyết thì tôi thường là người đề xuất. Sau khi thảo luận thì có thể về phía vợ vẫn chưa đồng ý việc này việc kia, rồi cả hai cùng cần nhắc và thống nhất việc làm. Tôi nghĩ đó là một cách thức tốt, thể hiện sự bình đẳng với nhau và tôn trọng lẫn nhau.
Vậy còn trách nhiệm chăm sóc con cái?
Cùng chăm lo cả. Tôi không khoán cho vợ về việc nuôi dạy con cái. Tôi còn tranh cả việc hát ru con của vợ nữa cơ mà.
Trong hôn nhân, cái mới sẽ giúp tình yêu tồn tại
Tình yêu lệch tuổi, đối với GS có phải là chuyện lớn?
Tôi cho là không lớn. Tôi là người có khoảng tư duy khá rộng, có thể hiểu được giới trẻ, thậm chí cả những cái oái oăm của giới trẻ. Tôi cũng cảm thấy sự thú vị nhất định trong tư duy giới trẻ mà có thể thích nghi được. Bạn tôi, giới trẻ là nhiều chứ. Có nhiều người bạn tôi, và cũng chỉ đến thế thôi, còn trẻ hơn nhiều, có khi lệch đến 45 tuổi. Nhưng sau khi nói chuyện với tôi thì họ nói rằng không nói chuyện được với ai nữa. Điều đó để chứng minh rằng tư duy của tôi khá mở, kể cả người rất già hoặc rất trẻ, tôi cũng có thể hầu chuyện được.
Người ta hay nói “hôn nhân là nấm mồ của tình yêu”. GS có thấy điều đó là đúng?
Tôi đã từng tới dự một đám cưới và nghe ông chủ hôn phát biểu một câu như thế này: “Hôm nay là ngày trọng đại, hai cháu đã kết thúc tình yêu để đi đến hôn nhân”. Đây là câu nói hồn nhiên thôi nhưng lại khiến cho người ta có thể hiểu nhầm. Nhưng thực tế cũng lại hay diễn ra những điều tương tự. Nhiều khi cuộc sống thực tế nhọc nhằn làm hỏng tình yêu, nếu người trong cuộc không biết cách bảo vệ, giữ gìn.
Tôi vẫn nghĩ rằng tình yêu là thứ rất mong manh, dễ đổ vỡ, hay tan biến chứ không phải giấy giá thú là minh chứng của tình yêu bền chặt. Phải trải qua một quá trình lao động yêu cực nhọc thì chúng ta mới cảm được tình yêu có đứng vững được hay không.
Theo GS, bí quyết nào để giữ tình yêu trong hôn nhân?
Khi tình yêu đã bước sang giai đoạn gia đình, luôn luôn phải làm mới tình yêu. Cái mới sẽ giúp tình yêu tồn tại. Cái mới sẽ giúp người ta không phải đi tìm cái mới ở nơi nào đó khác.
GS nổi tiếng là một người thành công trong sự nghiệp. Vậy còn trong tình yêu thì sao?
Tôi chỉ cho rằng mình là con người sống thật, có thế nào thì nhận thức như thế. Mà những người thật thì khó có thể gọi là thành công trong cuộc sống gia đình. Nhiều người vẫn cho sự thật và hạnh phúc trái ngược nhau và người ta dùng cách lừa dối để tạo ra hạnh phúc. Nhiều người tiếp cận cuộc sống bằng cách đó.
Riêng tôi là một con người rất thật, nên nhiều khi cũng làm hỏng đi nhiều thứ. Nhưng thôi có thế nào thì vẫn để như thế, không việc gì phải che đậy đi cả. Tôi luôn tôn trọng cảm giác thật, nếu cái đó không thật thì cũng không nên giữ cái giả tạo làm gì. Tôi khẳng định về tình yêu và cuộc sống gia đình, khi đã mất thì vẫn cứ phải tìm kiếm. Tình yêu luôn là thứ thăng hoa đẹp nhất của cuộc sống, luôn phải tìm thấy cái đích thực.
Xin cảm ơn GS, chúc GS và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và có một mùa xuân mới thật ấm áp!
Thu Hương (thực hiện)
Hùng Võ trong lĩnh vực gia đình (sưu tầm)